Các cuộc tấn công có chủ đích – APT được đánh giá là tinh vi và nguy hiểm hơn nhiều so với các cuộc tấn công mạng thông thường. Vậy, có thể ngăn chặn được chúng không và biện pháp nào giúp doanh nghiệp đối phó hiệu quả? Hãy cùng Viettelco tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tấn công có chủ đích – APT là gì?
APT (Advanced Persistent Threat) là hình thức tấn công mạng trong đó tin tặc sử dụng các kỹ thuật tấn công hiện đại để xâm nhập vào hệ thống mạng của mục tiêu. Điểm đặc biệt của hình thức tấn công này là nó diễn ra trong một khoảng thời gian dài, có thể là vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm cho đến khi tin tặc đạt được mục đích của mình.
Trong suốt quãng thời gian ẩn nấp trong hệ thống, tin tặc sẽ lấy cắp dần dần dữ liệu quan trọng để bán ra chợ đen. Sở dĩ hành vi này khó bị doanh nghiệp phát hiện bởi tin tặc sử dụng kỹ thuật tinh vi, đã được nghiên cứu để phù hợp với hệ thống của mục tiêu. Tấn công APT thường bao gồm tấn công phishing, malware, zero-day và tấn công web.
Nếu để doanh nghiệp bị tấn công APT, hậu quả sẽ rất khó lường. Dưới đây là 4 biện pháp giúp doanh nghiệp phòng tránh rủi ro hiệu quả.
2. 4 biện pháp đối phó với cuộc tấn công có chủ đích – APT
2.1. Thực hiện bảo mật theo lớp
Bảo mật theo lớp được coi là biện pháp hữu hiệu trong công tác an ninh mạng. Giải thích một cách dễ hiểu, bảo mật theo lớp là việc doanh nghiệp chia hệ thống mạng thành nhiều lớp và thực hiện phương án phòng thủ cho từng lớp đó. Càng đi sâu vào lớp trong thì bức tường bảo mật càng cần chắc chắn hơn. Ví dụ, ngoài việc kiểm soát lưu lượng truy cập mạng bằng tường lửa; doanh nghiệp cần triển khai các biện pháp bảo vệ khác như: cập nhật phần mềm phiên bản mới nhất, sao lưu dữ liệu, mã hóa thông tin…
Vì tin tặc thường xuyên cập nhật công cụ tấn công nên doanh nghiệp cũng cần thực hiện các phương thức bảo mật mới nhất để dễ dàng đối phó.
2.2. Kiểm soát và đánh giá an ninh mạng thường xuyên
Việc kiểm soát và đánh giá an ninh mạng giúp doanh nghiệp phát hiện sớm các dấu hiệu của một cuộc tấn công APT. Khi tìm ra dấu hiệu sớm, doanh nghiệp mới có thể xử lý kịp thời trước khi cuộc tấn công lan rộng ra toàn hệ thống.
2.3. Xây dựng quy trình báo cáo và đối phó với sự cố
Không có gì đảm bảo hệ thống mạng của doanh nghiệp luôn ở trạng thái an toàn. Khi doanh nghiệp liên tục triển khai những biện pháp phòng chống mới thì tin tặc cũng đồng thời nâng cấp những kỹ thuật tấn công tinh vi. Đó là lý do hệ thống mạng có thể bị xâm phạm bất cứ lúc nào. Doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác trong mọi trường hợp bằng cách xây dựng quy trình báo cáo và đối phó với sự cố mạng.
Quy trình này nêu rõ từng bước cần thực hiện ứng với từng sự cố giả định. Nếu nhân viên thực hiện đúng quy trình, thiệt hại do tấn công mạng sẽ được giảm thiểu đáng kể.
2.4. Đào tạo nâng cao nhận thức an ninh mạng cho nhân viên
Nhận thức an ninh mạng của nhân viên quyết định 50% tính bảo mật của hệ thống mạng doanh nghiệp. Những hành động thiếu hiểu biết như click vào một đường link lạ; tải về một tập tin không rõ nguồn gốc… có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Doanh nghiệp nên tổ chức các buổi đào tạo định kỳ trong đó; các nội dung được cập nhật theo xu hướng mới nhất để có thể ứng phó với tin tặc. Một lưu ý quan trọng khác, doanh nghiệp nên phân tầng kiến thức cho mỗi nhóm nhân viên. Nếu nhân viên kế toán, hành chính nhân sự… chỉ cần nắm bắt kiến thức phòng chống tấn công mạng cơ bản thì nhân viên IT phải xử lý nhanh nhạy và thành thạo khi có sự cố xảy ra.
Tấn công có chủ đích – APT vô cùng nguy hiểm nhưng nếu biết cách đối phó thì rủi ro doanh nghiệp bị lợi dụng sẽ giảm đi đáng kể. Vấn đề mấu chốt vẫn là sự chủ động của doanh nghiệp trong việc phòng chống các nguy cơ. Chỉ cần đề cao cảnh giác và triển khai các biện pháp phù hợp; tính bảo mật của doanh nghiệp sẽ tự động được nâng cao.