Máy chủ ứng dụng là một loại máy chủ được thiết kế để cài đặt, vận hành và host các ứng dụng. Đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng ứng dụng được đưa lên Internet. Các ứng dụng đó ngày càng trở nên lớn hơn với nhu cầu bổ sung nhiều chức năng, đồng thời việc chạy và bảo trì chúng cũng trở nên phức tạp hơn. Do đó, thuật ngữ “app server” được đặt ra và đưa vào thế giới Internet.
Máy chủ ứng dụng là gì?
Máy chủ ứng dụng (application server hay app server) là một framework phần mềm hỗn hợp cho phép cả việc tạo các ứng dụng web và môi trường máy chủ để chạy chúng.
Máy chủ ứng dụng thường bao gồm nhiều phần tử tính toán khác nhau, chạy các tác vụ cụ thể cần thiết cho hoạt động của đám mây, phần mềm và ứng dụng dựa trên web.
Nằm giữa tầng máy chủ dựa trên web chính và tầng back-end của máy chủ cơ sở dữ liệu (database server), máy chủ ứng dụng về cơ bản là sự kết nối giữa máy chủ cơ sở dữ liệu và người dùng doanh nghiệp hoặc ứng dụng tiêu dùng mà nó hỗ trợ, thông qua việc đưa các giao thức và API (Application Programming Interface) khác nhau vào để sử dụng.
Máy chủ ứng dụng được thiết kế để cài đặt, vận hành và host các ứng dụng cũng như service liên quan cho người dùng cuối, những tổ chức và dịch vụ CNTT, đồng thời tạo điều kiện cho việc hosting và phân phối các ứng dụng tiêu dùng hoặc doanh nghiệp cao cấp.
Tùy thuộc vào những gì được cài đặt, máy chủ ứng dụng có thể được phân loại theo một số cách, chẳng hạn như web server, database application server (máy chủ ứng dụng cơ sở dữ liệu), máy chủ ứng dụng đa năng hoặc máy chủ ứng dụng doanh nghiệp.
Máy chủ ứng dụng thường đi chung với một web server hoặc chứa một web server và cũng đủ linh hoạt để được sử dụng đồng thời với các máy chủ ứng dụng khác.
Máy chủ ứng dụng cũng có thể chứa giao diện người dùng đồ họa của riêng chúng để quản lý thông qua PC, nhưng chúng cũng có thể quản lý tài nguyên của riêng mình, xử lý giao dịch, nhắn tin, tổng hợp tài nguyên, kết nối và thực hiện các tác vụ bảo mật.
Đối với các yêu cầu cao cấp, máy chủ ứng dụng có xu hướng giám sát tính có sẵn cao, phân cụm, cân bằng tải, dự phòng tích hợp, các dịch vụ ứng dụng phân tán hiệu suất cao cũng như hỗ trợ truy cập cơ sở dữ liệu phức tạp.
Trong số các nền tảng máy chủ ứng dụng phổ biến, có thể kể đến những cái tên như J2EE, WebLogic, Glassfish, JBoss Enterprise Application Platform, Apache Tomcat và Apache Geronimo.
Tại sao lại sử dụng máy chủ ứng dụng? Những lợi ích của máy chủ ứng dụnglà gì?
Máy chủ ứng dụng được sử dụng tốt nhất khi có nhu cầu tích hợp với cơ sở dữ liệu và máy chủ, chẳng hạn như web server, đã được thiết lập và là một phần của cơ sở hạ tầng CNTT hiện có của tổ chức.
Một trong những lý do chính cho điều này là máy chủ ứng dụng có thể đóng vai trò như một phương tiện cung cấp tính toàn vẹn cho code và dữ liệu, bằng cách tiếp cận tích hợp và tập trung để giữ cho các ứng dụng được nâng cấp và cập nhật. Không có máy chủ ứng dụng có thể dẫn đến các phiên bản khác nhau của cùng một ứng dụng trong doanh nghiệp, từ đó dẫn đến các vấn đề về khả năng tương thích phần mềm.
Một lý do quan trọng khác để sử dụng máy chủ ứng dụng là nó cung cấp cho tổ chức một lớp bảo mật bổ sung. Bằng cách nằm ở giữa các trang web và cơ sở dữ liệu, máy chủ ứng dụng hoạt động như một rào cản bổ sung đối với những cuộc tấn công mạng SQL injection.
Bảo mật được tăng cường hơn nữa bằng cách thiết lập các quy trình xác thực tập trung và quản lý truy cập dữ liệu.
Hiệu suất của các ứng dụng lớn và được sử dụng nhiều cũng có thể được tăng cường bởi một máy chủ ứng dụng, vì nó có thể thiết lập nhiều quyền kiểm soát hơn đối với lưu lượng mạng.
Và khả năng làm việc theo quy mô là một yếu tố quan trọng khác khi xem xét việc sử dụng máy chủ ứng dụng, vì khả năng tổng hợp các kết nối cơ sở dữ liệu của nó có nghĩa là máy chủ ứng dụng có thể được mở rộng để hoạt động như một web server farm mà không cần thêm kết nối bổ sung vào cơ sở dữ liệu bên dưới.
Application server khác với các loại server khác như thế nào?
Mặc dù máy chủ ứng dụng và web server ban đầu có vẻ giống nhau, nhưng trên thực tế, chúng hoàn toàn khác nhau. App server giải quyết việc cung cấp logic nghiệp vụ cho các ứng dụng thông qua một bộ giao thức. Mặt khác, web server hoạt động với các yêu cầu HTTP, phản hồi và xử lý chúng để thực hiện những chức năng của trang web, cũng như host trang web nói trên, lưu trữ nội dung tĩnh của nó, chẳng hạn như hình ảnh, JavaScript, CSS và các trang HTML.
Trong các trường hợp phổ biến, web server có thể không hỗ trợ giao dịch hoặc tổng hợp kết nối cơ sở dữ liệu, nhưng nó có thể có các tính năng chống lỗi và khả năng mở rộng, bao gồm, ghi cache, phân cụm và cân bằng tải.