Mọi doanh nghiệp đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của tấn công mạng. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở tỷ lệ tấn công mà tin tặc nhắm vào mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên có những doanh nghiệp luôn nằm trong diện bị tấn công cao. Bên cạnh đó có những doanh nghiệp lại ít chịu rủi ro bị tấn công mạng. Vậy, những doanh nghiệp như thế nào thì dễ bị tin tặc “nhòm ngó”? Hãy cùng tìm hiểu tiếp trong bài viết dưới đây.

1. Các doanh nghiệp tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật 

Lỗ hổng bảo mật là điểm yếu tồn tại trên hệ thống mạng của doanh nghiệp. Lỗ hổng bảo mật bao gồm các thiếu sót của phần cứng hay lỗi phần mềm. Lỗ hổng bảo mật là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc tấn công mạng. Sau khi phát hiện lỗ hổng bảo mật có khả năng khai thác; tin tặc sẽ lên kế hoạch để bắt đầu xâm nhập vào hệ thống mạng của doanh nghiệp.

Trên thực tế, doanh nghiệp nào cũng tồn tại lỗ hổng bảo mật. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú ý hay biết đến các lỗ hổng đó khi chúng đã bị tin tặc khai thác. Giải thích điều này, một số chuyên gia cho rằng do những doanh nghiệp đó không nhận thức được sự nguy hiểm của lỗ hổng bảo mật. Lại có ý kiến khác cho rằng: có thể doanh nghiệp đó biết lỗ hổng bảo mật nguy hiểm. Tuy nhiên, họ không biết làm thế nào để tìm ra lỗ hổng đó.

Dù là nguyên nhân nào, có thể thấy, doanh nghiệp vẫn đang thờ ơ trước lỗ hổng mạng. Việc để lỗ hổng mạng tồn tại đồng nghĩa với việc tiếp tay cho tin tặc xâm nhập vào doanh nghiệp của mình. Hệ thống mạng càng nhiều lỗ hổng, tin tặc lại càng có nhiều cơ hội lợi dụng. Đó là lý do giải thích tại sao các doanh nghiệp tồn tại nhiều lỗ hổng có tỷ lệ bị tấn công cao hơn.

2. Các doanh nghiệp mạnh về tài chính, dữ liệu, tài sản trí tuệ

Trong nhận thức của nhiều người, tin tặc chỉ tấn công vào các doanh nghiệp lớn. Suy nghĩ này không sai nhưng nó không chính xác hoàn toàn. Bởi sự thật là, tin tặc sẽ có xu hướng tấn công vào các doanh nghiệp có nguồn tài chính lớn, khối lượng dữ liệu đồ sộ hay tài sản trí tuệ độc đáo.

Tuy nhiên, hãy thử nghĩ lại, doanh nghiệp quy mô lớn có phải đối tượng duy nhất sở hữu nguồn tài chính, dữ liệu và tài sản trí tuệ hấp dẫn không? Nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hay các start-up lại sở hữu những ý tưởng được đánh giá là mới mẻ và “đáng tiền”.  Vì vậy, khi tấn công vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tin tặc vừa khai thác được thêm tài sản lại vừa xây được bệ đỡ để tấn công vào các doanh nghiệp lớn hơn.

Có thể kết luận, bất cứ doanh nghiệp nào sở hữu nguồn tài chính, dữ liệu hay tài sản trí tuệ đáng giá cũng là mục tiêu tiềm năng đối với tin tặc. Vì vậy, dù ở quy mô nào, doanh nghiệp của bạn cũng nên sử dụng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng phù hợp để tăng cường hàng rào an ninh của mình.

3. Các doanh nghiệp còn lỏng lẻo trong công tác bảo vệ an ninh mạng

Một số doanh nghiệp chia sẻ với SecurityBox rằng: hệ thống mạng của chúng tôi luôn được đảm bảo an toàn vì chúng tôi đã có tường lửa và phần mềm antivirus bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế, bảo vệ an ninh mạng với hai công cụ trên là chưa đủ. Bởi tường lửa và phần mềm antivirus chỉ phát huy tác dụng khi các tác nhân gây hại đã xâm nhập vào hệ thống. Vì vậy, khi thăm dò doanh nghiệp, nếu tin tặc không nhận thấy bất cứ biện pháp bảo vệ nào khác, khả năng cao chúng sẽ xâm nhập vào doanh nghiệp này.

Muốn an ninh mạng luôn được vững chắc, doanh nghiệp phải ngăn chặn triệt để các nhân tố gây ra tấn công mạng. Như đã phân tích, lỗ hổng bảo mật là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các cuộc tấn công mạng. Doanh nghiệp cần giải pháp có thể phát hiện các lỗ hổng mạng trước khi tin tặc khai thác chúng.