Vì sao hoạt động bảo vệ mạng nội bộ quan trọng với doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây, Viettelco sẽ giúp doanh nghiệp giải thích điều này.
1. Mạng nội bộ là gì?
Mạng nội bộ hay còn được gọi là mạng LAN (Local Area Network) là hệ thống mạng mà các thiết bị trong đó có thể kết nối và chia sẻ tài nguyên với nhau. Các thiết bị trong mạng LAN được liên kết với nhau thông qua dây cáp mạng RJ45 hoặc wifi không dây.
Một mạng LAN tối thiểu cần có máy chủ (server), các thiết bị ghép nối (Repeater, Hub, Switch, Bridge), máy tính con (client), card mạng (Network Interface Card – NIC) và dây cáp (cable) để kết nối các máy tính lại với nhau.
Mạng nội bộ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý dữ liệu của doanh nghiệp. Vì vậy, để dữ liệu luôn được an toàn, doanh nghiệp cần đầu tư bảo vệ mạng nội bộ.
2. 3 lợi ích khi doanh nghiệp bảo vệ mạng nội bộ
2.1. Đảm bảo an ninh cho dữ liệu và hệ thống mạng
Hiện nay, tình hình tấn công mạng vào các doanh nghiệp rất phức tạp. Tin tặc luôn nhăm nhe tấn công vào mạng nội bộ để lấy cắp dữ liệu khách hàng và bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Khi xác định được mục tiêu tấn công, chúng sẽ dùng mọi thủ đoạn để đưa mã độc xâm nhập vào hệ thống. Chỉ cần một máy tính nhiễm mã độc, toàn bộ hệ thống mạng nội bộ sẽ bị ảnh hưởng.
Việc thực hiện các biện pháp bảo vệ mạng nội bộ thường xuyên sẽ giúp doanh nghiệp nắm rõ hiện trạng an ninh của hệ thống. Cụ thể, hệ thống đang ở trạng thái đang an toàn hay nguy hiểm, có tồn tại điểm yếu hay lỗ hổng nào nghiêm trọng hay không… Nếu có dấu hiệu nguy hiểm bất thường, doanh nghiệp sẽ kịp thời xử lý để đưa hệ thống trở về trạng thái an toàn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu khả năng tin tặc tấn công vào hệ thống. Thông tin và dữ liệu của doanh nghiệp nhờ đó sẽ được bảo mật tốt hơn.
2.2. Hạn chế rủi ro bị thiệt hại nặng nề do tấn công mạng
Mặc cho tin tặc hoành hành, nhiều doanh nghiệp doanh vẫn thờ ơ trong việc bảo vệ mạng nội bộ. Vì để duy trì hoạt động này, mỗi tháng, doanh nghiệp phải chi trả một khoản phí nhất định. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, nếu không bảo vệ hệ thống và bị tin tặc tấn công, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thiệt hại khổng lồ. Mức thiệt hại đó có thể gấp hàng trăm, hàng nghìn lần chi phí bảo vệ. Nguyên nhân là do mất dữ liệu, hệ thống ngừng hoạt động, uy tín bị suy giảm… Như vậy, bảo vệ mạng nội bộ có thể giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro bị thiệt hại nặng nề trong tương lai.
2.3. Dễ dàng lấy được lòng tin của khách hàng
Khi biết doanh nghiệp bị tấn công mạng, khách hàng sẽ mất niềm tin vào thương hiệu. Họ sẽ lo lắng và rất dễ chuyển hướng hợp tác với các doanh nghiệp khác. Hậu quả có thể kéo dài đến cả năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần hạn chế tối đa nguy cơ bị tấn công mạng. Việc bảo vệ mạng nội bộ sẽ giúp doanh nghiệp làm điều này. Khi doanh nghiệp bảo mật tốt, họ sẽ chiếm được lòng tin của khách hàng. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh sẽ trở nên thuận lợi hơn, góp phần gia tăng doanh thu của doanh nghiệp.
3. Các biện pháp bảo vệ mạng nội bộ hiệu quả
3.1. Sao lưu dữ liệu thường xuyên
Dù mạng nội bộ của bạn có được bảo mật tốt đến đâu, hãy đảm bảo doanh nghiệp luôn có ít nhất một bản sao lưu dữ liệu. Bản sao lưu này giúp doanh nghiệp có thể hoạt động lại bình thường ngay cả khi sự cố xảy ra. Lời khuyên là doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ sao lưu dữ liệu đám mây để hiệu quả tốt nhất.
3.2. Thiết lập công cụ firewall và antivirus
Không cần giới thiệu nhiều về firewall và antivirus bởi đây là hai công cụ quen thuộc trong mọi doanh nghiệp. Firewall kiểm soát lưu lượng truy cập ra vào hệ thống, chặn các lưu lượng bị coi là nguy hiểm. Phần mềm antivirus rà quét, cảnh báo và loại bỏ các virus đang xâm nhập vào hệ thống. Doanh nghiệp cần cài đặt sớm hai công cụ cơ bản này để ngăn chặn các mối đe dọa xung quanh.
3.3. Sử dụng giải pháp quản trị nguy cơ an ninh mạng nâng cao
Theo phân tích ở trên, có thể thấy, các giải pháp như firewall và antivirus chỉ phát huy tác dụng khi virus/ mã độc đã bắt đầu xâm nhập vào hệ thống. Để bảo mật mạng nội bộ tốt hơn, doanh nghiệp cần một giải pháp hỗ trợ rà quét và phát hiện các lỗ hổng mạng đang tồn tại. Đây là những vị trí mà tin tặc lợi dụng để đưa virus/ mã độc đi vào hệ thống. Việc tìm ra và khắc phục được các lỗ hổng mạng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã “triệt tiêu” con đường tin tặc sử dụng để tấn công.
3.4. Xây dựng chính sách bảo mật theo từng cấp bậc và phòng ban
Việc phân quyền truy cập, sử dụng, chia sẻ dữ liệu nội bộ rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ thông tin nội bộ hiệu quả. Nếu gặp sự cố, doanh nghiệp có thể truy ra nguồn gốc vấn đề và giải quyết nhanh chóng.
3.5. Đào tạo kiến thức an ninh mạng cho toàn bộ nhân viên
Các hành vi: click vào website giả mạo, tải tệp tin chứa mã độc… đều là do thiếu kiến thức về an ninh mạng. Doanh nghiệp nên nâng cao nhận thức của nhân viên để bảo mật dữ liệu tốt hơn. Bằng cách tổ chức các buổi đào tạo về an ninh mạng, doanh nghiệp sẽ giúp nhân viên biết rõ hành động nào nên và không nên thực hiện để bảo vệ hệ thống mạng chung.
Bảo vệ mạng nội bộ là một quá trình cần thực hiện bởi cả nhân viên và chủ doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp hãy chủ động đầu tư cả về kiến thức, con người cũng như tiền bạc để mạng nội bộ được vững chắc và an toàn hơn.